Trong ký ức của chị V.T.T (tổ dân phố số 19, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) những ngày tháng điều trị bệnh tự kỷ cho con (T.G.H), sinh năm 2012 là khoảng thời gian đầy nước mắt. Theo chị T. chia sẻ, cháu H. sinh ra bình thường, khỏe mạnh, khoảng 1 tuổi gia đình phát hiện con có nhiều hành động, biểu hiện không bình thường so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Lo lắng, chị T. đã đưa con về bệnh viện trung ương khám và bàng hoàng khi bác sỹ kết luận con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Để điều trị bệnh cho con, chị phải xin nghỉ việc về Hà Nội chăm sóc, đồng hành cùng con. Sau một thời gian điều trị, chi phí rất tốn kém, gia đình không đủ điều kiện đành đưa con về.
Đến cuối năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý – Giáo dục Ban Mai Xanh được thành lập, chị T. đã đến đăng ký cho con được hỗ trợ can thiệp rối loạn phổ tự kỷ, can thiệp hành vi giác quan, can thiệp tăng động giảm tập trung chú ý. Sau 5 năm kiên trì, đến nay cháu H. tiến bộ trông thấy: biết một số kỹ năng cơ bản như sử dụng câu nói dài để giao tiếp, biết đọc, biết viết và có thể tính toán trong phạm vi 100. Ngoài ra, cháu H. còn biết nhặt rau, lau nhà, gấp chăn… giúp mẹ.
Chị T. tâm sự: “Điều trị bệnh tự kỷ của con cần sự kiên trì. Sau một thời gian được Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý – Giáo dục Ban Mai Xanh hỗ trợ can thiệp, con tiến bộ rất nhiều, gia đình tôi mừng lắm!”.
Một giờ học hỗ trợ can thiệp trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý – Giáo dục Ban Mai Xanh.
Chị Tạ Thị Hợp – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý – Giáo dục Ban Mai Xanh cho biết: Trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển, không phân biệt màu da. Hiện, các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ra hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ. Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động trị liệu, can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, những năm qua, trung tâm luôn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với gia đình trong công tác can thiệp, hỗ trợ để trẻ có được những kết quả tốt nhất trong thời gian điều trị.
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý – Giáo dục Ban Mai Xanh có 16 cán bộ, giáo viên đang hỗ trợ can thiệp trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt gần 70 trẻ, có độ tuổi từ 2 – 12. Trong đó, có gần 40 trẻ ở bán trú và 30 trẻ thực hiện hỗ trợ can thiệp theo giờ. Các cháu vào trung tâm chủ yếu có những khiếm khuyết về các kỹ năng: sống, ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác xã hội, nhận thức, vận động, hành vi (tăng động, không nhận biết được thức ăn…). Do vậy, khi tiếp nhận trẻ, cán bộ, giáo viên của trung tâm tiến hành khám, đánh giá và đưa ra giáo trình, kế hoạch, phương pháp can thiệp cụ thể với từng em tùy theo mức độ nhận thức và hành vi. Đồng thời, xây dựng môi trường học tập an toàn, vui tươi, tạo hứng thú cho trẻ; can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ với các phương pháp đặc thù như: TEACCH (cấu trúc hóa môi trường học tập cho trẻ), AAC (sử dụng giao tiếp bổ trợ và thay thế), ABA (phát triển hành vi), PECS (sử dụng thể tranh, ký hiệu hình ảnh hóa vào dạy trẻ)…
Bên cạnh đó, mỗi giáo viên phải quan sát kỹ từng biểu hiện, nắm bắt sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của mỗi em, từ đó lên kế hoạch lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp. Tăng cường các hoạt động nhằm tạo cho trẻ tính chủ động. Thường xuyên dạy các kỹ năng cơ bản để giúp trẻ có thể sớm hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, khi đến trung tâm rất nhiều trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ khi được can thiệp tích cực và đúng thời điểm, sau thời gian ngắn đã có sự thay đổi rõ rệt, có thể theo học tại các trường như những trẻ khác.
Điển hình như trường hợp của cháu G.M.T (bản Tả Làn Than, phường Tân Phong) vào trung tâm hỗ trợ can thiệp khi gần 4 tuổi. Khi đó, T. chưa có ngôn ngữ nói, khả năng nghe hiểu hạn chế, có nhiều hành vi không phù hợp như: thường xuyên đánh bạn, đánh cô giáo và hạn chế trong việc tham gia chung với các bạn. Tại trung tâm, T. được hỗ trợ can thiệp rối loạn phổ tự kỷ bằng phương pháp: TEACCH, PECS, ABA, AAC nên cải thiện được hành vi phát triển nhận thức, ngôn ngữ và đạt được những kỹ năng tiền học đường. Hiện tại, T. đã đi học và hòa nhập được với các bạn. Đặc biệt, năm học vừa qua, T. còn đạt học sinh giỏi.
Với những phương pháp, mô hình can thiệp hiệu quả, cùng lòng yêu nghề, nhiệt huyết, sự kiên trì của đội ngũ giáo viên Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng tâm lý – Giáo dục Ban Mai Xanh đã và đang “chắp cánh ước mơ” cho rất nhiều trẻ tự kỷ. Từ đó, tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cũng như sớm hòa nhập với cộng đồng, xã hội như bao bạn bè đồng trang lứa.